Ngày đăng: 08:25 PM 30/09/2018 - Lượt xem: 1880
1. Sống có động lực
Động lực giúp bạn duy trì đường đi của mình nhưng thói quen mới đưa bạn đến đích. Khi bạn biến động lực trở thành thói quen, bạn sẽ đến được bất cứ nơi nào bạn muốn, một cách nhanh chóng hơn và tràn ngập niềm vui trên suốt chặng đường.
Động lực có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống vì nó luôn đến trước mỗi quyết định của bạn. Sau khi suy nghĩ, bạn sẽ đưa ra quyết định và bắt tay vào hành động. Tuy nhiên để hành động một cách hiệu quả, bạn cần phải tuân theo những chỉ dẫn đúng đắn. Khi lặp lại thường xuyên sẽ dẫn đến thay đổi trong cách cư xử và hình thành nên thói quen.
Trong trường hợp không tìm thấy động lực trong cuộc sống tức là bạn chưa với tới cái “phím nóng” bên trong tâm hồn mình - cũng là công tắc cảm xúc được nối với những ước mơ, khát vọng của bạn. Một khi đã nhận thức được những lợi ích thiết thực của việc giữ động lực, bạn sẽ bắt đầu thúc đẩy bản thân mình mạnh mẽ hơn.
2. Lắng nghe
Một ví dụ sống động về tầm quan trọng của việc lắng nghe là: Ban lãnh đạo của Tập đoàn xe hơi Chrysler xuống từng phân xưởng và tiếp xúc với từng công nhân làm việc trong dây chuyền lắp ráp và nhờ họ đề xuất ý kiến để làm ra những chiếc xe hơi tốt hơn.
Khi thấy thiện chí lắng nghe của Ban lãnh đạo, công nhân đã trình bày chân thực sai lầm trong việc tổ chức dây chuyền lắp ráp. Đó là những chấn thương lưng xuất hiện ở nhiều công nhân do họ phải cúi người làm việc khi xe hơi đi ra từ dây chuyền.
Ban lãnh đạo đã lắng nghe và hành động: Dây chuyền sản xuất được nâng lên ngang hông để công nhân có thể làm việc mà không phải cúi người gập xuống. Nhờ vậy công nhân không còn bị chấn thương, viện phí cũng như các chi phí y tế khác giảm 90%, tinh thần làm việc được nâng cao, số lượng và chất lượng các loại xe xuất xưởng tăng đáng kể, lợi nhuận thu về tăng vùn vụt.
Việc lắng nghe và bắt tay vào hành động cải thiện tình hình đã giúp hãng xe Chrysler giảnh được một thị phần khá cao trong thị trường xe hơi.
3. Học hỏi : Có thể có một số người không có bằng Đại học nhưng lại giữ một vị trí quan trọng trong một công ty. Lý do là vì họ làm việc xuất sắc đến mức người bên ngoài nghĩ họ phải có học vị Tiến sĩ. Nguyên nhân của điều ngược đời này là người đó đã liên tục trau dồi kỹ năng, kiến thức phục vụ cho công việc. Chỉ duy nhất bằng con đường học tập cần mẫn và nỗ lực không ngừng mới đem đến kết quả như vậy.
Do đó, điều quan trọng trong cuộc sống mỗi người không phải là điểm xuất phát mà chính là mục tiêu mà ta muốn đạt được.
4. Đọc sách
Người không đọc sách chẳng khá hơn những người không biết chữ là bao. Trong thời đại kỹ thuật số, nhiều người lãng phí thời gian vào những thứ vô bổ (truyền hình, phim ảnh, games, chat, mạng xã hội…) mà quên dành thời gian cho việc đọc. Đó làm một điều đáng tiếc bởi thông tin bùng nổ quá nhanh của thời đại này khiến bất cứ ai không đọc đều sẽ nhanh chóng tụt hậu.
Những người thành công, giàu có dù rất bận rộn với hàng núi công việc vẫn dành thời gian từ 2-3 tiếng hàng ngày để đọc sách. Vì với họ, sách như những người thầy mở ra những điều mới mẻ và kiến thức vô tận trong cuộc sống mà ta chưa được lĩnh hội.
5. Làm việc hết sức mình
Trong cuộc sống, nếu không cố gắng làm việc thì kết quả mà bạn đạt được sẽ rất làng nhàng. Và khi có điều bất ngờ lớn xảy ra, bạn không có khả năng đối phó với chúng. Vì vậy, hãy luôn cố gắng hết sức mình trong mỗi việc bạn làm, bạn sẽ thể hiện năng lực làm việc xuất sắc và vị trí của bạn trong cuộc sống sẽ luôn vững vàng. Hãy lên những kế hoạch cụ thể để đảm bảo thói quen làm việc hết mình luôn hiện diện trong bạn.
6. Rèn luyện và giữ gìn sức khỏe
Thói quen giữ gìn sức khỏe giúp mỗi người tránh được hoặc giảm đáng kể các bệnh: cao huyết áp, đau đầu, đau lưng, trầm cảm… Hơn nữa, những người có thói quen giữ gìn sức khỏe (cả thể chất và tâm hồn) thì mức độ tử vong giảm gấp đôi so với những người không quan tâm đến vấn đề này.
Vì vậy, bạn hãy rèn luyện và giữ gìn sức khỏe, biến thành thói quen trong cuộc sống của mình để luôn được khỏe mạnh cả thể chất lẫn tinh thần.
7. Nghỉ ngơi
Bạn phải ngủ đủ giấc mỗi ngày 8 tiếng. Việc thiếu ngủ sẽ dẫn đến quyết định thiếu sáng suốt. Vì vậy, hãy tranh thủ thời gian để ngủ đủ giấc mỗi ngày, bạn không nên thức khuya mà hãy đi ngủ sớm để cơ thể lấy lại năng lượng sau một ngày làm việc dài. Nếu khó ngủ, bạn hãy thử đọc sách, đếm thầm hay nghe một bản nhạc êm dịu. Sau khi có một giấc ngủ đủ và sâu, bạn sẽ thấy tâm trạng thật vui tươi và hứng khởi chào đón một ngày mới.
8. Tự giác
Thủa bé, chúng ta được bố mẹ, thầy cô dạy bảo những điều hay lẽ phải để nên người và sống có trách nhiệm. Khi trưởng thành, chúng ta phải tự rèn luyện bản thân để thành những con người có ích cho cộng đồng, xã hội. Đây là ý nghĩa của việc tự giác để hoàn thiện mình.
Thói quen kỷ luật giúp chúng ta nghiêm khắc với chính mình, tránh khỏi sa ngã và những phút yếu lòng. Ta biết nói không trước tệ nạn và không sa chân vào cám dỗ, cạm bẫy cuộc đời. Và tự giác, kỷ luật còn góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp bằng những việc làm chân chính và lương thiện.
9. Giúp đỡ người khác
Giúp đỡ người khác đôi khi là những việc rất nhỏ như nhường chỗ cho một cụ già trên xe bus… chứ chưa nói đến những giúp đỡ lớn hơn như cho tiền một người hoạn nạn, đưa cho người khác “cần câu”, giúp người khác hết sợ hãi. Và sự giúp đỡ xuất phát từ trái tim, không mong người khác trả ơn. Thói quen giúp đỡ người khác là một tính cách đáng trân trọng ở bất cứ nơi đâu.
10. Suy nghĩ trong sáng
Suy nghĩ tích cực hướng chúng ta đến những việc làm cao quý. Ngược lại suy nghĩ tiêu cực xui ta tính toán, nhỏ nhen, trả đũa, mưu mô, xảo trá. Bạn chỉ có cách lấp đầy trí óc bằng những suy nghĩ tích cực thì suy nghĩ tiêu cực sẽ bị đẩy lùi. Bạn thực hành liên tục điều này thì sẽ rèn luyện được thói quen tốt: Suy nghĩ trong sáng.
Nếu bạn nuôi dưỡng những điều tốt đẹp, lành mạnh, tích cực trong tâm trí mình thì bạn không những có một khởi đầu tốt đẹp mà còn kết thúc mỹ mãn trong bất cứ điều gì bạn làm.
Nguồn: HocLamGiau